Thị trường thanh toán điện tử đang tiến rất nhanh

Lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt đang tăng vọt trong thời gian gần đây, không chỉ nhờ chất “xúc tác” Covid-19 mà còn có những chính sách mới cởi mở hơn trong lĩnh vực thanh toán.

 

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong đợt dịch COVID-19, một tháng có khoảng 15 triệu người sử dụng Internet banking và Mobile banking. Ước tính một ngày Việt Nam có khoảng 30 triệu giao dịch thanh toán.

Với kênh giao dịch internet, trong sáu tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch đạt hơn 200 triệu, với giá trị khoảng 12,9 triệu tỉ đồng, tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ. Còn kênh giao dịch qua thiết bị di động cũng tăng mạnh với hơn 472 triệu lượt giao dịch, với giá trị khoảng 4,9 triệu tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 178% và 177% so cùng kỳ.

Thanh toán điện tử tăng mạnh trong mùa dịch covid19

Các ngân hàng cũng được hưởng lợi đáng kể trong xu hướng này. Ví dụ như tại Techcombank, khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong sáu tháng đầu năm 2020 tăng ở mức tương ứng là 153 triệu giao dịch (tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái) và gần 2 triệu tỉ đồng(tăng 91%).

Ngoài ra, theo thống kê trên các ứng dụng đặt xe, giao thức ăn hay thương mại điện tử cũng ghi nhận một bộ phận người dân đáng kể lần đầu sử dụng dịch vụ dưới hình thức thanh toán không tiền mặt. Thống kê của Grab cũng cho thấy dịch COVID-19 đã thúc đẩy một bộ phận người dân lần đầu tiên tiếp cận với các phương thức thanh toán trực tuyến, đặc biệt số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab tăng vọt.

Thanh toán qua grab - ứng dụng đa dịch vụ cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây

Một tín hiệu đáng khích lệ trên kênh thanh toán qua thẻ tín dụng. Tổ chức thẻ quốc tế Visa mới đây cho biết lượng giao dịch thẻ ngân hàng loại không tiếp xúc (contactless) của chủ thẻ ở Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2020 đã tăng hơn 500% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tổng giá trị giao dịch cũng tăng hơn 600%.

Bên cạnh yếu tố Covid-19, một yếu tố khác giúp thúc đẩy còn nhờ vào các chính sách của cơ quan quản lý. Theo ông Diệp, đại diện của ví điện tử MoMo, xu hướng thanh toán không tiền mặt trong thời gian qua tăng nhanh còn nhờ vào các chính sách quyết liệt thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, cùng với sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác, ngân hàng đã tham gia thay đổi thói quen của người tiêu dùng.

Mới đây, nhiều ngân hàng bắt đầu thử nghiệm hình thức định danh trực tuyến (e-kyc) trên các ứng dụng của mình, chẳng hạn như VPBank, HDBank hay Ngân hàng Bản Việt. Định danh trực tuyến cho phép khách hàng mở tài khoản mà không cần phải đến chi nhánh của ngân hàng, được kỳ vọng sẽ giúp các tổ chức tín dụng và các fintech "lôi kéo" đáng kể lượng khách hàng mới nhờ tính tiện lợi, các ưu tiên và cả khuyến mãi.

 

e-KYC hỗ trợ đắc lực cho việc xác thực tài khoản người dùng, giúp khách hàng có trải nghiệm sản phẩm tốt và đáp ứng thông tư 23 của NHNN

Trước đó, hồi tháng 5, Chính phủ cũng đã đồng ý triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ (tiền di động - Mobile Money), mở ra “sân chơi” mới cho các nhà mạng viễn thông và giới thiệu một kênh thanh toán không tiền mặt mới cho người dân.

 

Theo ICTNews./.

https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/vnpt-epay-2020-giao-dich-nghin-ti-dong-mot-ket-noi-da-phuong-thuc-thanh-toan-1338915.html